Những ngày hoá thành người chế biến cà phê từ farm đến tận bàn ở Buôn Mê…

Hồi xưa, Cơ không có mê cà phê, vì cứ uống là say, say như tình đầu ấy. Nhưng sau này đi làm nhiều, sáng mà không có một ly cà phê sữa mình không chịu được. Sau đó dần dà, vì uống sữa bị nổi mụn, mình chuyển qua uống cà phê đen hoặc cold brew, lúc đó đâm ra yêu cái hương vị cafe làm sao.
Lúc mới tập tành uống, mình ghét cà phê vì vị đắng & khét, nhưng sau này đi nhiều, cà nhiều & phê nhiều, được may mắn uống nhiều dòng cà phê chất lượng cao ở những không gian specialty coffee, mới biết ngoài vị đắng, cafe còn có rất nhiều tầng hương vị đa dạng & phong phú, là cả một nghệ thuật vị giác giống như thưởng thức một ly whiskey vậy.

Trong chuyến đi Buôn Mê lần thứ 2 trong năm đúng vào mùa vụ cà phê, mình quyết định lên farm để theo dõi quy trình thu hái và chế biến cà phê tỉ mẩn, quan sát những người trồng và thu hoạch cà phê ân cần, chăm chút từng hạt cà phê như đứa con của mình.

Mình ghé thăm nông trại của Soul Specialty Coffee ở vùng cà phê Ea tu. Thương hiệu này khá nổi tiếng & có một không gian cà phê rất lớn ở trung tâm Buôn Mê, sau này mở rộng ra Đà Nẵng và Sài Gòn, vì từng thử cà phê và rất mê vị của Soul nên mình hỏi các bạn cho mình ghé xem quy trình làm cà phê đặc sản của các bạn.



Khi đi trải nghiệm farm, Cơ mới học được những điều mình chưa từng biết về cà phê:
- Để làm nên cà phê đặc sản, bạn phải hái bằng tay, lựa chọn từng quả chín đỏ, thông thường bà con trồng sẽ lấy cả trái xanh, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
- Robusta không phải lúc nào cũng đắng nghét. Với kiến thức nhỏ nhoi của mình, Cơ chỉ biết Arabica có vị chua & hương vị nhẹ nhàng, Robusta có vị đắng & body “dày”, nhưng khi lên farm mới được khai sáng rằng Fine Robusta nếu được phơi – lên men, rang đúng cách có thể tạo ra các vị đa dạng không kém như caramel, ca-cao, dark chocolate, mật ong, v.v… Điểm “ăn tiền” của Fine Robusta là hương vị đậm đà & ngọt hậu kéo dài.
- Các công đoạn sơ chế, phân loại, phơi & lên men cực kỳ quan trọng để làm nên cà phê đặc sản. Bạn sẽ thấy ở đây các bạn phơi hạt cà phê trên giàn cao vì phơi trực tiếp cà phê trên sàn đất rất dễ tạo điều kiện cho nấm mốc gây hại đến phẩm chất của hạt cà phê.

Sau chuyến đi và những trải nghiệm thực tế, Cơ tự hào vì có những người tâm huyết với cà phê. Vì hạt cà phê Việt Nam vốn đã tuyệt vời, nhưng quy trình chế biến chưa được đánh giá cao trên thế giới khiến giới mê cà phê quốc tế không đánh giá cao. Sau khi gặp các bạn chủ trẻ ở farm, Cơ thấy tự hào và tin vào thế hệ cà phê mới của người Việt, đem hương vị Robusta Việt Nam lên trên bản đồ cà phê thế giới.

Và Cơ sẽ không bao giờ xem nhẹ tách cà phê mình uống, vì những công sức bỏ ra để làm nên những hạt cà phê chất lượng.