Nếu có chết trẻ, tôi muốn chết khi không có gì để hối tiếc

Đó là suy nghĩ của tôi về cái chết, đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ qua đời sớm hay đại loại như vậy. 

Nhưng một người bạn mới 28 tuổi của tôi được chẩn đoán có khối u cấp tính ở ngực, thời gian sống chỉ tính bằng vài tháng. Tôi chợt nhận ra tuổi trẻ không phải là mãi mãi, và tuổi thọ của một người không được mặc định ở “60 năm cuộc đời”, có những lúc dài hơn, và đôi khi lại quá ngắn ngủi. Tôi bừng tỉnh và lục tung trong đầu xem những điều gì mình đã làm được, và những điều gì mình chưa làm. 

Tôi sống vội, đó là điều có thể khẳng định chắc chắn. Tôi sợ đến lúc nào đó, đột nhiên xảy ra tai nạn khi đôi chân còn trẻ này không còn đi lại được, đôi mắt ngắm nhìn vạn vật này không còn thấy rõ nữa, hay đôi tay thích viết này không thể viết nên bao nhiêu từ ngữ đầy cảm hứng. Tôi sợ hãi khi đối diện với ngày mai khi nhìn xung quanh mình không thiếu những ví dụ chết trẻ, ra đi mà còn nhiều hối tiếc. 

Nghĩ vậy, tôi càng giận hơn với những bạn không chết về mặt thể xác nhưng lại chết trong tư tưởng ở tuổi 25. Tất nhiên, tôi không ở một vị trí phán xét lối sống của một ai. Nhưng tôi chỉ giận khi thấy có nhiều người còn hoài bão, nhưng lại ra đi quá sớm, trong khi nhiều người lành mạnh nhưng không có khao khát lớn lao trong cuộc đời mình. Không cần lớn lao gì quá, chỉ đơn giản là sống một cuộc đời đầy trải nghiệm xem. Nhưng không, nhiều bạn chết chìm trong cuộc sống “9 tới 5” mỗi ngày và nghĩ rằng đó là “sống”. 

Tôi không cho phép mình tồn tại. Tôi căm ghét việc vật vờ cho qua tám tiếng làm việc mà không đem lại lợi ích gì cho bản thân, cho công ty mình đang làm, ngồi lướt Facebook hay lên mạng đọc báo, xem phim, nghe nhạc cả ngày. Tôi căm ghét qua nửa năm cuộc đời mà không có điều gì mới hay dấu mốc nào đáng kể trong sự nghiệp, cuộc sống cá nhân hay học vấn. 

“Khi không tiến, bạn sẽ lùi”. 

Có những câu như vậy luôn khắc sâu vào trong não bộ của tôi. Tôi không phải vĩ nhân, tất nhiên, nhưng tôi là đứa thích thử thách. Tôi thích làm mới mình về ngoại hình lẫn trí óc. Tốt nghiệp ba năm, chinh chiến ở hai công ty, học nhiều điều mới về một ngành làm việc mà mình; tôi bắt đầu thấy mình đang giậm chân tại chỗ. Tôi đăng ký học một khoá thạc sỹ chuyên ngành trong một năm rưỡi để bổ sung kiến thức chuyên sâu còn thiếu.

“Sao lại đi học cao học, trong khi thấy như vầy là đủ rồi.” – nhiều bạn bè đã nói với tôi như vậy.

Chính suy nghĩ phó thác và thấy đủ ấy đã khiến ta cứ mãi lùi trong khi ngoài kia hàng triệu người vẫn đang cố gắng mỗi ngày. Tôi không nghe lời khuyên của ai, cứ thế làm những điều mình cho là tốt cho bản thân, sự nghiệp, kiến thức của riêng mình. 

Tôi muốn tiến mãi để sau này nếu cái chết thể xác có ập đến, tôi sẽ bảo với thần chết rằng tôi đã cố gắng hết mình mỗi ngày để ông không thể làm tôi thấy hối hận khi ông đem tôi đi đâu. 

Và một nụ cười, đó là nụ cười của chiến thắng mà tôi muốn dành cho vị thần mọi người cho là đáng sợ kia. 

Có một mẩu quảng cáo trên TV dịp Tết Nguyên Đán, nhân vật chính là một người con gái, đang cầm quyển hộ chiếu lật lật và có nhiều dấu mộc trên đó, nhưng khi nhân vật ngước nhìn lên thì là bàn thờ của ba mẹ đã qua đời, rồi sau đó là thông điệp của sản phẩm hiện lên đánh vào tình cảm của người xem. 

Tôi giật mình, sao giống mình thế. Dù mẹ chưa mất, nhưng lỡ đến một ngày nào đó, mẹ ra đi thật sự thì sao. Tôi hoảng hồn và tìm cách phản biện lại mệnh đề mà đoạn quảng cáo đưa ra. “Tại sao cô ta không đi du lịch cùng gia đình mình nhỉ?” 

Thế là không suy nghĩ nhiều, tôi lôi kéo mẹ đi làm hộ chiếu. Hai tháng sau, tôi đưa mẹ cùng đi nước ngoài với mình lần đầu tiên trong ngày sinh nhật thứ 25. Tôi không giàu có gì, nhưng vẫn có chút đỉnh để dành. 

“Để dành làm quái gì, khi không thể dành hết cho người mình thương yêu.” – tôi nghĩ khi vừa đặt cặp vé cho hai mẹ con đi Kuala Lumpur, đặt phòng khách sạn tuyệt đẹp nhìn ra trung tâm thành phố. Tôi dốc hết tiền lương của tháng đó và chuẩn bị dịch vụ tốt nhất cho mẹ. Vì ngoài mẹ ra, có ai yêu mình vô điều kiện nữa chứ. 

Tôi không muốn mang tiếng hiếu thảo. Tôi làm những việc này vì bản thân tôi. Tôi làm vì tôi yêu thương người mẹ của mình, vì tình cảm bản thân dành cho mẹ là thật sự, chứ không phải vì định nghĩa xã hội rằng bạn phải yêu thương cha mẹ thì tôi nghe lời và đi thực hiện sự “hiếu thảo” ấy. Đừng làm một điều gì tốt đẹp vì bạn bè, cha mẹ, người xung quanh, báo chí nghĩ và nói gì với bạn. Làm điều ấy vì chính bản thân bạn đi. 

Tôi căm ghét hành động dựa trên mục đích giả tạo. Như việc đi thiện nguyện rồi quay phim lại đăng lên YouTube, Facebook để xin tí lượt xem hay nhiều cái like của thế giới ảo. Như việc làm điều gì tốt cho gia đình thì lại đem lên kể lể mua lấy những câu bình luận “bạn X hiếu thảo quá”.

Tôi không cần những điều giả dối đó. 

Cùng mẹ lên chuyến bay đầu tiên đi nước ngoài. Mẹ cầm tay tôi vừa đi vừa nói khi bước đến hàng của hải quan. “Mẹ sợ quá, nhớ đi từ từ cho mẹ theo với nhé.” Tôi cười bảo mẹ “sẽ không sao đâu, cũng chẳng có gì ghê gớm, cứ tới đó rồi người ta sẽ đóng dấu lên passport, con đi trước rồi mẹ nhìn theo con rồi theo sau nhé”. Mẹ cười nhưng có vẻ vẫn còn lo lắng. 

Tôi chợt nhận ra lúc mình đi nước ngoài lần đầu tiên không có cánh tay của ai để bấu víu vào. 

Nói thì hùng hồn lắm, tôi nói ra rả qua nhiều bài viết trước đây rằng xê dịch một mình chẳng có gì đáng sợ, cũng vui và tận hưởng tuổi trẻ lắm. Và những điều đó hoàn toàn đúng. 

Nhưng con người thường muốn những gì mình không có. Khi đã đủ đầy với 2 chữ “một mình” tận hưởng tuổi trẻ không ràng buộc theo cách của chính mình, ta lại thèm thuồng cảm giác dựa dẫm vào ai đó trong những chuyến đi. 

Dạo gần đây, cảm giác ấy là có thật. Tôi vẫn hồ hởi với những chuyến đi một mình, vì sẽ không phải nghe người bạn đường càm ràm sao đi nhiều mỏi chân, sao ăn món này dở quá, vâng vâng và vâng vâng các lý do khác nhau. 

Nhưng rồi khi đến những nơi thật đẹp, như những buổi hoàng hôn ở miền biển Địa Trung Hải, hải âu bay đầy trời, hay eo biển ở miền Tây nước Ý rực rỡ và bao la. Lúc đó tôi ước gì có thể quay qua người bên cạnh mà bảo “đẹp quá nhỉ?” Và nhận lại một cái gật đầu đồng ý. 

Nên dù vẫn tôn sùng việc xê dịch một mình như một cách nhanh nhất để đến nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm, đôi khi tôi cũng thèm cảm giác ở hai mình để sẻ chia cái view toàn cảnh mà tôi đang thấy, sẻ chia trải nghiệm mà tôi đang có. 

Những giây phút ấy, tôi ước gì có mẹ bên cạnh.

Khi leo lên trạm hai của Dachstein Krippenstein, một khu núi tuyết được bảo tồn của Áo, tôi gọi facetime về cho mẹ. Nhìn mẹ háo hức nhìn tuyết lần đầu tiên, tôi nhận ra cuộc đời mẹ chưa được thấy bao điều đẹp đẽ như mình. Tôi cảm thấy bất lực vì hiện tại chưa đủ giàu có để đưa mẹ đi cùng mình, mà vẫn còn ích kỷ ở trên những chuyến xê dịch một mình. 

Tôi vẫn sẽ có những chuyến đi một mình để đi thật nhanh những điểm đến tuổi trẻ khao khát. Nhưng lúc này, khi ở sân bay ngồi đợi chuyến bay đi Kuala Lumpur cùng mẹ, tôi biết mình sẽ chia sẻ những chuyến đi ích kỷ ấy thành những chuyến đi bên người mình yêu thương. 

Lúc lên tầng 54 của toà nhà Regalia Flyover, nơi tôi thuê Airbnb ở Kuala Lumpur, tôi và mẹ nhìn hoàng hôn buông trên những toà nhà chọc trời của thủ đô Malaysia. Tôi chỉ cho mẹ những toà nhà nổi tiếng tôi biết. Cảnh hoàng hôn màu tím trải dài, tuyệt đẹp, và tôi đang cùng người mình yêu thương ngắm nhìn cùng nhau. 

Khoảnh khắc ấy, tôi cảm giác như nếu có một quả thiên thạch bay tới và kéo cuộc đời của tôi đi, tôi sẽ không bao giờ hối hận. 

Sau chuyến đi, mẹ hồ hởi với việc đi du lịch hơn bao giờ hết. Cách vài ngày lại khen chỗ ở phòng ốc đẹp, thành phố hiện đại, Din Tai Fung ngon. “Để hôm nào con dắt mẹ đi Đài Loan ăn Din Tai Fung chính hiệu còn ngon hơn” – tôi cười bảo với mẹ. 

Những điều mẹ khen đối với tôi rất bình thường, nhưng có một điều mới đó là được cùng mẹ đến một thành phố mới, có những trải nghiệm mới cùng nhau. 

Lúc này, tôi mỉm cười nghĩ về mẩu quảng cáo Tết trên TV. Có lẽ, lựa chọn của tuổi trẻ mới là điều quyết định khiến ta không hối hận. Tuổi trẻ ngắn ngủi, tôi biết tôi đã có những lựa chọn đúng đắn, nên làm gì với cuộc đời mình và dành thời gian quý báu ấy cho ai. 

Nhìn mẹ đã hơn bảy mươi tuổi mỉm cười với những điều bình thường mình làm, tôi thấy mẹ trẻ lại, tuổi trẻ của mẹ hãy còn dài, nhờ thằng con trai này khiến cho mẹ trẻ nhiều hơn. Tôi hạnh phúc, đơn giản là vậy, hối hận không nằm trong quyển từ điển tuổi 25.

1 comment

  1. Bài đọc cảm động quá Cơ ah, đoạn về mẹ! Mình vẫn chưa có dịp đưa mẹ đi chơi được, cũng buồn và mình đang nghĩ ngoài việc đưa mẹ đi đây đó thì mình còn có thể làm gì khác để mẹ vui và biết thêm về thế giới ngoài kia ko?!

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: