Những chuyến đi… không miễn phí

“Nếu du lịch miễn phí, bạn sẽ không bao giờ gặp lại tôi” là một câu truyền cảm hứng bảo rằng du lịch mang tính gây nghiện như thế nào. Nhưng đối với tôi, khi đọc câu này lại có một cách nhìn khác trong đầu: xê dịch không bao giờ miễn phí.

Tôi đã từng viết nhiều bài viết về việc du lịch tiết kiệm chi phí sao cho khôn ngoan nhất, nhưng chưa bao giờ tôi viết rằng bạn có thể xê dịch mà không một xu nào.

Thế giới truyền thông trên Internet hoạt động theo một guồng quay của giật tít, dòng sự kiện và những chủ đề gây sốc. Khi việc du lịch ngày một được quan tâm của nhiều bạn trẻ Việt, các bạn đi nhiều hơn và khao khát trải nghiệm nhiều hơn, không khó để ta lên Internet mỗi ngày và thấy những bài báo như đi Châu Âu 3 tuần chỉ có bốn mươi triệu, đi Thái chưa tới ba triệu, vâng vâng và vâng vâng. Những thông tin gây sốc như vậy lại được quan tâm và khiến cộng đồng bạn trẻ mê du lịch tò mò và vào xem. Giới truyền thông cứ thế tiếp tục lăng xê những bài viết như vậy. Vô hình chung, họ đã tạo ra một xu hướng muốn đi du lịch rẻ và cứ nghĩ du lịch càng rẻ thì sẽ càng hay ho. Đối với tôi thì không.

Tôi sợ những gì mà cái rẻ ấy mang lại để “câu like”, để giật tít. Những điều ấy khiến cho nhiều bạn trẻ khi đến với blog của tôi thì điều đầu tiên họ hỏi tôi là “đi chỗ X có rẻ không?” Tôi tương đối phẫn nộ. Không phải với những bạn trẻ. Tôi phẫn nộ với truyền thông đã tiêm vào đầu các bạn những suy nghĩ phải đi cho thật rẻ, phải thật tiết kiệm.

Nhưng hỡi những bạn trẻ à, đi là để trải nghiệm, chứ không phải đi được nhiều nơi với hầu bao ít ỏi thì mới là hay ho.

Đầu tiên, hãy phân định rạch ròi giữa thắt lưng buộc bụng với xê dịch thông minh.

Tôi từng viết nhiều bài về du lịch tiết kiệm, những mẹo trong đó là để cắt giảm bớt chi phí không đáng có trong chuyến đi. Nhưng du lịch là để tận hưởng nên tôi cũng không khuyến khích các bạn đọc phải gặm bánh mì, đem theo mì tôm ăn mỗi ngày. Chưa bao giờ tôi viết như vậy. Nhiều bạn sẽ bảo đã dành dụm tiền để đi trời Âu rồi, giờ ăn uống đắt đỏ quá thì phải như vậy chứ sao. Tôi kịch liệt phản đối. Nếu để đổi lấy những bức hình ở một nước đẹp đẽ mà quên đi trải nghiệm thực sự của bản thân thì đừng đi du lịch làm gì nữa.

Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi dọc ngang nước Ý của mình nhân dịp quyển passport tròn 3 tuổi, bản thân không có hầu bao rủng rỉnh nhưng lại thích được ăn ngon, trải nghiệm nhiều thú vui trên đời. Sau khi lăn lộn một tuần ở Pháp, Thuỵ Sĩ, tôi cũng đến Ý, tôi quyết định đến Florence. Vốn yêu thích ẩm thực Ý nhưng nếu không có người hướng dẫn, thực sự sẽ không có ai để chỉ cho bạn những điểm hay và những món ăn ngon cả. Tôi đặt ngay một tour khá đắt đỏ đi khám phá miền Tuscany với San Gimignano và Siena trong lịch trình. Nhưng điều tuyệt vời nhất là được đến xưởng rượu Tenuta Torciano để thưởng thức hơn bảy loại rượu vang đỏ đến rượu vang trắng của Ý. Còn cơ hội nào tuyệt vời hơn để khám phá nước Ý qua đầu lưỡi nữa chứ. Thế là tôi cứ tham gia mà không quan tâm đắt rẻ.

Khi đi Kuala Lumpur, tôi không tiếc gì tiền thuê hẳn một phòng tốt ở Regalia Flyover, có hồ bơi vô cực nhìn vào thành phố và cả toà tháp đôi Petronas Tower, ngồi tại nhà hàng Hemisphere ăn bữa tối thịnh soạn ngắm hoàng hôn buông. Nếu tiết kiệm thì chắc tôi đã chọn những khách sạn vừa tầm ở Chinatown mà thôi.

Không nói đâu xa xôi, khi đi Phú Quốc, tôi thuê hẳn villa với hồ bơi riêng và khu bãi tắm riêng. Sẵn sàng thuê canô đi lặn biển ngắm san hô cho thoả sức ngụp lặn giữa màu sắc đại dương.

Nên ở những bài viết tiết kiệm, tôi viết về việc tiết kiệm ở những khoảng chi phí không đáng có như đặt vé máy bay sát ngày, đặt phòng không có kế hoạch chứ đừng tiếc gì trải nghiệm.

Không có gì tự trên trời rơi xuống cả, kể cả những trải nghiệm.

Vì tôi biết những chuyến đi là những giờ làm việc vất vả của tôi đạt được, là kết quả của việc ngồi dính mắt vào máy tính hơn 8 tiếng đồng hồ tại công ty, tối về viết bài cho các báo và các nhà tài trợ cho blog, là những buổi đi gặp gỡ khách hàng và tìm những cơ hội công việc mới. Không dễ dàng gì để quy đổi những thành quả ấy ra hiện kim để rồi lại quy đổi thành trải nghiệm.

Thế nên, tôi không muốn trải nghiệm của những chuyến đi sẽ là ăn bánh mì cho qua bữa, sẽ là đi chụp hình trước bảo tàng Musée du Louvre mà không thể vào trong vì giá vé những 15 euro để rồi không biết đang bỏ lỡ gì bên trong kia, sẽ là không dám đi cáp treo để lên những dãy núi tuyết tuyệt đẹp.

Nếu bạn dám hi sinh những trải nghiệm đó thì tốt nhất nên ở nhà và đừng bước chân ra đường. Hãy đi khi đủ khả năng tận hưởng những chuyến đi cho thật xứng đáng.

Tôi không dám tự nhận mình là dân phượt khi có ai gọi tôi như vậy. Tôi vẫn quẳng ba-lô hơn hai mươi kí đi nhảy các đoạn tàu Châu Âu, nhưng tôi vẫn ăn nhà hàng ngon mỗi ngày, vẫn ở resort khi tới một bãi biển đẹp, vẫn tận hưởng cuộc sống. Tôi không hành xác bản thân mình để đổi lấy cái mác “du lịch giá rẻ” ấy.

Tôi hiểu hơn ai hết việc tôi đã bỏ ra hằng tháng, hằng năm trời để làm việc để đổi lấy vài ngày, vài tuần, vài tháng xê dịch ngắn ngủi trong năm. Tôi muốn những chuyến đi ấy phải thực sự xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Những trải nghiệm ấy không cần phải xa hoa, nhưng đủ để ta thấy thoải mái, vẫn đủ để trải nghiệm những trải nghiệm tuyệt vời ngoài kia.

Có nhiều khi tôi nghĩ rằng nếu mình tiết kiệm thì chắc sẽ đi được nhiêu hơn, và trang blog cũng có những bài viết về nhiều nơi hơn. Nhưng tôi chợt nhận ra, nếu chỉ tới Ý và chụp hình với những ngôi nhà, những kênh đào, những nhà thờ nơi đó, hay nếu chỉ tới Đài Bắc mà chụp hình Taipei 101 thì tôi chỉ viết được những trải nghiệm tương đối bề mặt.

Sẽ giống như những bạn hotgirl đi du lịch rồi chụp đúng những bức ảnh ở những biểu tượng đó, và ăn những món đặc trưng đó để gọi là “check-in” đầy đủ trên mạng xã hội. Khi đi, tôi bỏ ra không chỉ tiền bạc mà còn thời gian để đầu tư khám phá. Vì tôi đi để tận hưởng cuộc sống chậm chứ không phải chạy đua theo một lịch trình.

Nếu có tiết kiệm, đừng tiết kiệm thời gian cho những chuyến đi.

Tôi có thể dành cả ngày trời leo núi rừng Dương Minh Sơn, Đài Loan, để thấy được vẻ đẹp thiên nhiên tại xứ Đài mà không ngại cuốc bộ hơn 6 cây số đường núi vào những rừng cây dương xỉ và những hẻm đá cheo leo, và những thác nước nhỏ màu ngọc lục bảo sâu trong rừng. Nếu như với một người đi chỉ để “check-in” thì những trải nghiệm một Đài Loan thật khác ấy sẽ dừng lại ở những bức ảnh chụp thành phố Đài Bắc, những món ăn ở chợ đêm.

Nếu tiếc thời gian, tôi cũng không dành cả ngày leo lên đỉnh núi Dachstein – một phần thuộc dãy Alps tại Châu Âu – để thoả đắm mình trên những vực núi tuyết, ngồi ăn trưa tại nhà hàng ở độ cao hơn 2,057m so với mực nước biển.

Nếu không dành thời gian khám phá, chắc hẳn tôi không biết những góc hẻm nhỏ tuyệt vời ở Shibuya và Shinjuku với những quán ăn kiểu Nhật tuyệt nhiên không có bóng dáng khách du lịch; hay cũng sẽ không dậy thật sớm để đi chợ hải sản buổi sáng tại Hakodate, Hokkaido.

Những trải nghiệm ấy cần ta đầu tư không chỉ vật chất mà còn cả thời gian.

Tôi sợ những trải nghiệm hời hợt như bao tờ báo đang “định hướng” cho các bạn trẻ. Các bạn cứ xê dịch như thể một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Một địa điểm mới được lên báo, cả ngàn bạn trẻ lại lũ lượt đi theo. Một phong trào, không hơn không kém.

Những chuyến đi, cũng như những trải nghiệm trong cuộc sống chưa bao giờ miễn phí. Tốt nhất nên tận hưởng những điều ấy một cách xứng đáng nhất để đừng lãng phí giây phút nào của tuổi trẻ đầy năng lượng này.

Có lẽ tôi nghèo về vật chất, nhưng không nghèo về trải nghiệm và tuổi trẻ.

Nếu chọn vật chất, ta sẽ được kể về những món đồ đó trong… vài lần với người khác, nhưng nếu chọn những trải nghiệm, cả đời này là cả câu chuyện dài để kể.

Hãy tưởng tượng xem, khi bạn về già liệu có nhiều tiền có là mục tiêu hàng đầu nữa không? Khi về già, tôi muốn nhìn lại tuổi trẻ của mình đã từng oanh liệt như thế nào, đã từng chu du những phương trời, đôi chân run rẩy này đã từng leo bao nhiêu ngọn núi, đôi mắt viễn thị bắt đầu lão hoá này đã nhìn thấy bao nhiêu cánh rừng, vị giác bắt đầu đắng này đã từng thử bao nhiêu món ngon, của lạ trên đời.

Nếu có già đi, những trải nghiệm không miễn phí kia sẽ mãi là niềm vui và niềm tự hào cho đến mãi về sau.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: