“Không có tương lai”

Trong những ngày đầu làm blog, không ít bạn trẻ khi đọc qua những trang blog của tôi hâm mộ và muốn có những chuyến đi như vậy. Nhưng cũng có nhiều những người lớn hơn, có kinh nghiệm trong cuộc sống hơn lại cho rằng tôi không có tương lai, vì cứ mải mê đi mà không có nhà cửa, không có vật chất để lại hay một việc kinh doanh nào. 

Nhưng tôi chẳng màng đến ý kiến. Có lẽ “tôi” của năm 30 tuổi sẽ nghĩ khác, nhưng “tôi” của năm 25 tuổi hãy còn sống ở hiện tại nhiều lắm. 

Tôi thường xuyên tưởng tượng, đến một lúc già cả hơn năm mươi tuổi, những khớp chân thiếu đi chất nhờn sinh học, nhịp tim cũng đập nhanh hơn bình thường, đến độ leo cầu thang cũng đã khó, thì lúc ấy sao nhỉ. Liệu “tôi” của năm 50 ấy có còn được đi những chuyến đi dà ngày và sống cuộc đời của mình không? 

Những viễn tưởng tương lai ấy khiến tôi đau đầu nhiều hơn là những chỉ trích. 

Tôi sợ sự an toàn, đó là điều tôi luôn sợ. Tôi sợ phải dựa vào những nền tảng mà xã hội đặt ra để ta phải cố hết sức đạt lấy, rồi để thấy ta thật an toàn. Nhưng sự an toàn ấy đối với tôi là sự nhàm chán mà có lẽ tôi không thể chấp nhận được. Xã hội đặt ra những quy chuẩn như đến ba mươi mà sự nghiệp chưa vững thì chết rồi, đến ba mươi mà chưa có gia đình thì chết rồi, đến ba mươi mà chưa có nhà cửa thì chết rồi. Thằng này không có tí tương lai. Thằng này không thành công. 

Khi nghe những định kiến ấy nói ra rả xung quanh mình, tôi cũng sợ đấy. Nhưng không phải sợ cho bản thân mình, tôi sợ xã hội. Xã hội có thể đặt ra những định kiến, những quy chuẩn cào bằng khiến bao người chạy theo, để rồi cái đích đến ai cũng muốn như nhau. An toàn. 

Tôi chỉ còn 5 năm nữa là tròn 30, nhưng tôi chẳng lo lắng cho việc trong 5 năm nữa tôi sẽ chẳng có nhà, chẳng có việc kinh doanh riêng, cũng chẳng có cưới hỏi gì cả. Đơn giản, tôi sống vì bản thân mình. Tương lai tôi sẽ là độc nhất vì tôi đã chọn như vậy. 

Những năm 20, tôi hay bị lung lạc với những câu nói như vậy. Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm khi tôi đậu đại học. “Con kiếm được công việc bảo vệ đâu đó lương tháng 5 triệu là mẹ mừng”. Tôi không trách mẹ tôi, vì mẹ là dân lao động, nên sự an toàn đối với mẹ là trên hết. Tôi hay bị lung lạc khi cứ nghĩ làm sao sau khi ra trường mình sẽ có cuộc sống an toàn để không làm phiền đến người thân mình. 

Khi cuộc sống dần định hình và tài chính do mình làm chủ, tôi nhận ra những định kiến ấy chỉ là thứ ảo tưởng khiến ta chôn vùi nhiều ước mơ của chính mình. Nếu chỉ chăm chăm làm công việc tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, có lẽ tôi không ngồi đây viết cuốn sách về tuổi trẻ ngay lúc này. Nếu cứ nghĩ đến việc mua vật chất để thấy an toàn, thì có lẽ tôi đã không có ba năm xê dịch tuyệt vời đến như vậy. 

“Thằng này không có tương lai!” – những người hay dè bỉu nói thế. 

Nhưng chắc tôi vẫn không quan tâm mà cứ sống cuộc đời tuyệt vời của mình. Vì tôi luôn tưởng tượng đến khi mình có đủ tiền tài, nhà cửa, liệu có dám bỏ hết mà đi thật lâu, thật xa không?

Khi còn trẻ, bạn không có gì để mất, không tài sản, không gia đình, bạn sẵn sàng làm những điều điên rồ vì lý trí của bạn không mạnh bằng con tim. 

Bạn sẽ cảm thấy dù có làm sai đi chăng nữa cũng sẽ không sao đâu vì những năm sau còn có thể sửa chữa. 

Nhưng đến khi bạn đã có trong tay một thành tựu nhất định, một số vật chất nhất định, bạn sợ mất và cứ thế giữ khư khư cho vật chất, thành tựu ấy được an toàn. Những lúc ấy, khi dứt ra và thoát khỏi vùng an toàn dường như là một bài toán thiệt hơn phức tạp. Và tôi tin ta sẽ chọn một cửa ngõ an toàn, thực hành việc đã làm 365 lần mỗi năm, để được an toàn. 

Tương lai à? Có lẽ đó là phạm trù mà chính những người dè bỉu tôi, về lối sống tự do, bất cần của tôi cũng không thể nào định nghĩa được. 

Tôi đã xem qua nhiều bộ phim về vấn đề tự tử, đôi khi là những người rất trẻ. Như mới đây là bộ phim 13 Reasons Why, một bạn nữ tự kết thúc đời mình vì những bất công mà cô nàng phải chịu. Nhưng tôi muốn đặt một mệnh đề thật khác, nếu thử sống hết mình và không sợ hãi thì sao?

Có lẽ nói thì dễ. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc kết thúc cuộc sống thật dễ dàng. Dễ hơn việc tiếp tục sống và đối mặt với mọi thử thách trước mắt. Tôi có suy nghĩ thoáng qua này khi có một số biến cố gia đình năm học cấp 3. Nhưng quả thực khi ngẫm sâu, tôi gạt ý nghĩ con nít ấy ra khỏi đầu, và chọn cuộc sống.

Để rồi bây giờ mới thấy có những giây phút yếu đuối, nhưng vẫn cứ nhìn về tương lai, tôi lại mỉm cười tràn trề hy vọng. Vì trong tương lai hãy còn nhiều khả năng mọi thứ tốt đẹp hơn. Quá khứ chỉ có một, nhưng tương lai là muôn vàn lựa chọn. Lựa chọn ta chọn hôm nay sẽ quyết định cho ngày mai. 

“Một ngày tồi tệ, không có nghĩa là một cuộc đời tồi tệ.” – Johnny Depp, một diễn viên nổi tiếng đã từng nói vậy.  Nên hôm nay, tôi chọn mỉm cười và bước tiếp. Ngày mai không hứa hẹn tốt đẹp hơn, nhưng chắc chắn là một ngày với những “điều chưa biết” xấu xí hoặc đẹp đẽ. Chính sự tò mò về tương lai khiến tôi cứ liên tục sống cho hết mình, vì thành quả không dành cho những người lười biếng không nắm bắt tương lai. 

Tôi luôn có một nỗi sợ khi thử những điều mới mẻ, nhưng lúc ấy tôi nhủ mình rằng phải thử thì mới biết có đáng sợ hay không – tất nhiên là trừ thuốc lá, ma tuý và những thứ “không được thử dù chỉ một lần” khác. Tôi vẫn luôn thử tập nhảy nhót, thử tập lặn, thử chỉnh sửa video, thử học tiếng Nhật, thử những gì mà mình biết cũng không thể giết chết mình được. Tôi tò mò về cảm giác khi thực hiện những điều mới lần đầu tiên. Tò mò xem quyết định của tôi cho tương lai gần ấy có đúng đắn hay không. Và khi thực hiện xong, mọi thứ thật tuyệt. Tôi vô tình đẩy cho bức tường “sợ hãi những điều mới” xuống đất như thể bức tường Berlin đổ xuống vậy. 

“Thử đi trước đã. Tuổi trẻ còn dài.” – tôi vẫn luôn nhắc mình như vậy, đó là cách tôi quyết định tương lai của cuộc đời mình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: