Review 12 Ngày Trekking Annapurna Base Camp, Nepal

Trước đây, mình toàn đi các thành phố, làng quê, các khu vườn quốc gia theo phong cách ngắm nhìn và tận hưởng nhiều hơn. Dù là những cung trek nhỏ như Tà Năng – Phan Dũng, hay trek lên đỉnh núi Bà Đen mình cũng chưa từng làm được vì tâm lý ngại… cực. Ấy vậy, không biết hồi tháng 9 mình nghĩ gì lại book vé đi Nepal 12 ngày, trong đó 8 ngày để trekking lên xuống Annapurna Base Camp, và 4 ngày ở Kathmandu, Pokhara. Càng gần ngày đi, mình lại càng thấy mình… ngu, tự nhiên chưa có kinh nghiệm gì hết, có thể nói là “còn trinh” trong việc trekking thì chuyến đi này sẽ tốn tiền cho mà xem. Nhưng, khi bắt tay vào làm, mới thấy những gì mình nghĩ “không thể” lại hoá thành “có thể”. Và 12 ngày ở Nepal, 8 ngày trên núi đã thành công mỹ mãn, cùng đọc lại hành trình nho nhỏ đi khám phá một phần dãy Himalaya siêu cao, siêu khổng lồ của Cơ.

Lịch Trình 12 Ngày

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 5

Ngày 1: Việt Nam – Kathmandu (bay)

Ngày 2: Kathmandu – Pokhara (di chuyển bằng xe hoặc bay sẽ đắt hơn)

Ngày 3: Pokhara – Ghanduk (bạn có thể chọn trek hoặc đi jeep chở thẳng tới để tiết kiệm sức lực)

Ngày 4: Ghanduk – Chomrong (trek 6 tiếng)

Ngày 5: Chomrong – Deurali (trek 8-10 tiếng)

Ngày 6: Deurali – Machapuchare Base Camp – Annapurna Base Camp (trek 3 – 4 tiếng đi thư thả)

Ngày 7: Annapurna Base Camp – Bamboo (trek ngược xuống tầm 8 tiếng)

Ngày 8: Bamboo – Jhinu Danda (trek lên xuống 3 – 4 tiếng, để xuống tắm nước nóng

Ngày 9: Jhinu Danda – Pokhara (trek 2 tiếng qua New Bridge rồi bắt xe jeep về Pokhara, có hẳn 1 buổi chiều

Ngày 10: Pokhara – Kathmandu

Ngày 11: Kathmandu

Ngày 12: Kathmandu – Việt Nam

Để đọc chi tiết trải nghiệm từng ngày, bạn có thể kéo xuống bên dưới nhé!

Chuẩn Bị Cho Chuyến Đi Nepal

Mình đã viết bài blog rất dài về những gì cần chuẩn bị cho chuyến trekking dài ngày ở Nepal rồi. Bạn click vào link để đọc nhé!

Bay Đến Nepal

Từ Việt Nam, hoàn toàn không có chuyến bay thẳng, bắt buộc phải transit qua ít nhất 1 nước. Có khá nhiều hãng khai thác đường bay này như AirAsia, Malaysia Airlines (transit ở Kuala Lumpur), China Southern Airlines (transit ở Quảng Châu). Sau khi cân nhắc là mua AA cũng phải mua thêm hành lý, nên thôi mình quyết định bay MA dù cũng hơi run vì mấy tai nạn hồi trước. Nhưng bay rồi thì cũng an toàn. Đồ ăn hơi chán đặc biệt là chặng Việt Nam – KL. Bay Kathmandu cũng là máy bay nhỏ thôi. Nói chung mình không trông mong bay sang chảnh nên tạm chấp nhận.

Visa On Arrival Nepal

Trừ Ấn Độ thì gần như tất cả các quốc gia khi nhập cảnh Nepal đều phải xin visa on arrival cả – tức là visa có thể xin ở sân bay. Mình thấy đây là cách Nepal lấy tiền khách du lịch thôi, chứ không phải là thủ tục phức tạp gì mấy. Làm visa on arrival có 3 bước:

  • Nhập thông tin tại máy: sẽ có nhân viên hỗ trợ bạn, chỉ cần điền họ tên, số passport, tên khách sạn bạn ở, ngày bạn rời khỏi Nepal là xong. Họ sẽ nhấn nút submit để in ra 1 biên lai trắng.
  • Nộp tiền: bạn cầm tờ biên lai tới nộp tiền. Nếu đi 15 ngày là 30 USD, nhớ chuẩn bị sẵn tiền lẻ cho nhanh. Nộp xong, họ lại đưa thêm cho bạn 1 biên lai khác.
  • Nhập cảnh: bạn đến quầy nhập cảnh, nhân viên sẽ dán visa lên passport rồi đóng dấu.

Chỉ 3 bước là hoàn thành. Cảm nhận của Cơ là Nepal họ làm nhanh lẹ và chuyên nghiệp, chắc vì các du khách nước ngoài tới đều làm nên họ làm thuần thục và thái độ nhân viên rất tốt.

Trekking Permit

Để trekking cung Annapurna Base Camp và cũng như các cung trek khác tại Nepal, bạn cần có Trekking Permit. Đây là một loại giấy giống như là vé vào cổng các khu trek vậy. Phí làm cho cung ABC là 45 USD, bạn cần chuẩn bị 2 tấm hình 4×6. Nếu đi tự túc thì bạn cần tới Kathmandu để làm trước 1 ngày. Mình đặt land tour có guide nên chỉ cần đưa 2 tấm hình là họ sẽ làm cho mình, rất nhanh gọn.

Tiền Tệ

Tại Nepal dùng đồng Nepal rupee. Bạn có thể tính đơn giản là 1 đồng rupee = 200 đồng VNĐ. Thông thường thì bạn nên đổi USD từ Việt Nam rồi qua Kathmandu đổi. 1 USD = 111 đến 114 rupee. Mình nhờ guide đổi hộ thì có giá tốt được tới 114 rupee.

Vì Sao Mình Chọn Annapurna Base Camp?

Checklist Trekking Nepal Ly Thanh Co 1

ABC là cung trek có lượng người tham gia trek đông và nhiều tea house được xây dựng tốt. Thế nên bạn sẽ cảm thấy an toàn khi đi hơn.

Thời gian để hoàn thành cung trek cũng ở mức vừa phải: 8 ngày. Tới ngày thứ 4 là bạn đã lên độ cao hơn 4,000m là khúc khó nhất rồi. 4 ngày còn lại sẽ kiểu đi trek xuống và nghỉ ngơi nhiều hơn. Mình là người đi trek lần đầu nhưng có thể hoàn thành tốt thì bạn hoàn toàn có thể làm được.

Thời Gian Nên Đi Annapurna Base Camp

Có 2 khoảng thời gian bạn cần tránh hoàn toàn là mùa mưa tháng 7 – 9 và mùa đông tháng 1 – 2.

Các mùa còn lại là mùa đẹp để đi. Đẹp nhất là mùa tháng 4-5 là mùa xuân có hoa đào nở đẹp. Tuy nhiên, mùa này sẽ có lượng mưa kha khá và khi vào rừng thì sẽ bị dính con vắt. Nhưng nếu bạn không chịu lạnh tốt thì mùa này hoàn hảo vì khi lên ABC sẽ không bị rét quá.

Mùa tháng 10 – 11 là mùa đẹp nữa khi khung cảnh là lá cây và cỏ cháy vàng nhuộm sắc thu. Mùa này bạn sẽ không bị vắt trong rừng nhưng lại chịu nhiệt độ thấp vào ban đêm. Mình chọn đi tháng 11 vì cả nhóm ai cũng chịu lạnh tốt và ghét mưa.

Ăn Uống Trong Chuyến Đi

Đồ Ăn Tại Tea House

Theo mình thấy đồ ăn ở Tea House làm rất tốt, trừ những món cà ri truyền thống Nepal sẽ hơi khó ăn và dễ bị đau bụng thì menu ở các Tea House trên cung trek đa dạng. Bạn có thể lựa chọn các món ăn Tây dễ ăn như mỳ Ý, pizza, lagsana, v.v… hoặc chọn các món Á đơn giản như cơm chiên, mỳ xào, mỳ gói Hàn cay. Nếu bạn thích đồ ăn local thì Momo – một món ăn như dimsum của người Hoa – là món dễ ăn nhất. Bạn phải chú ý ăn thật nhiều calories để có đủ sức trek.

Lưu ý: sau trạm Himalaya trở lên cao là vào khu vực núi thiêng nên bị cấm giết động vật. Chỉ có cá ngừ hộp, trứng là đồ ăn có nguồn gốc từ động vật bạn có thể ăn được. Nếu cần, bạn nên mang chà bông đem theo.

Nước Uống

Trên cung trek này, nước uống đóng chai nhựa bị cấm hoàn toàn. Bạn cần phải mang theo 1 bình nước để mỗi lần tới tea house là mua nước lọc. Từ trạm Chomrong, một bình nước 1 lít là 100 rupee, từ trạm Bamboo đến Dovan là 150 rupee, từ Himalaya trở lên là 200 rupee. Để uống đỡ hao nước thì bạn nên mua những gói điện giải để pha vào uống.

Lương Khô

Trong chuyến đi này, bạn cần nhớ mang theo một số loại lương khô như chocolate, kẹo, bánh choco-pie để ăn trên đường lúc ngồi nghỉ trong rừng. Khi trek mỗi ngày mình theo dõi đồng hồ thông minh thấy tiêu tốn từ 1,500 – 2,500 calories, nên buộc bạn phải nạp calories thường xuyên, đặc biệt là trong lúc trek. Lương khô sẽ giúp bạn rất nhiều.

12 Ngày Chi Tiết

Ngày 1: Việt Nam – Kathmandu (bay)

Ngày 2: Kathmandu – Pokhara

Khi book tour tại Nepal để di trek, bạn sẽ được chở đi từ Kathmandu đi Pokhara trên xe trong 5 – 6 tiếng tuỳ theo tình hình giao thông. Ngày hôm nay bạn có thể chọn bay từ Kathmandu đến Pokhara để tiết kiệm thời gian và có 1 ngày trọn vẹn ở Pokhara. Nhưng do mình tiết kiệm nên đi xe của nhà tour thôi, đến chiều là đến Pokhara đủ để dạo phố, ăn uống, cafe rồi.

Ngày 3: Pokhara – Ghanduk

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 1

Ngày hôm nay bạn có 2 lựa chọn: trek từ Nayapul đến Ghanduk hoặc đi xe jeep lên thẳng luôn. Cơ đã chọn đi trek vì muốn khởi động gân cốt trước những ngày trek dài, nhưng thú thật đó là quyết định tương đối sai lầm. Điều Cơ tâm đắc là trên đường trek có nhiều ngôi làng nhỏ và ruộng bậc thang đẹp. Bù lại, bạn sẽ khá mệt vì đoạn trek từ Nayapul đến Ghanduk khá lâu từ 4 – 5 tiếng. Một bạn trong nhóm của mình đi là mệt đứ đừ làm ngày 2 là phải nghỉ lại Chomrong chứ không đi tiếp được.

Tại Ghanduk là một ngôi làng lớn nên điện, nước lọc, wifi vẫn còn miễn phí. Nhưng sau trạm này là mọi thứ bắt đầu tính tiền rồi đó.

Ngày 4: Ghanduk – Chomrong (trek 6 tiếng)

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 3

Mình tiếp tục trek, đoạn này không có xe jeep để bạn lười rồi. Nhưng bù lại cảnh trí cũng tương đối đẹp. Chomrong có Tea House đẹp nhất mà tụi mình ở có view nhìn ra dãy Himalaya rất tuyệt vời. Thường guide sẽ nói bạn ráng trek đến trạm tiếp theo là Sinuwa, nhưng mình khuyên là bạn nên ngủ qua đêm ở Chomrong để ngắm bình minh Himalaya rực rỡ.

Ngày 5: Chomrong – Deurali (trek 8 – 10 tiếng)

Đây là ngày cực khổ và điên rồ nhất trong chuyến đi. Bạn sẽ trek từ độ cao 2,000m lên hơn 3,000m trong thời gian dài kỷ lục với những đoạn đường dốc, nhiều đá và rất khó đi. Nếu bạn nhắm không đi nổi đến Deurali, bạn có thể chọn ở lại trạm Himalaya. Nhưng bù lại ngày 6 sẽ phải đi bù.

Ngày 6: Deurali – Machapuchare Base Camp – Annapurna Base Camp (trek 3 – 4 tiếng đi thư thả)

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 2

Vì bọn mình đã cố hết sức đến Deurali ngày hôm trước, nên hôm nay bọn mình đi vô cùng nhẹ nhàng. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được việc say độ cao, chuyện đi chậm là cần thiết để không ói mửa và bị ảo giác sốt. Mình lúc đi có cảm thấy nhức đầu, thế là bữa trưa ăn ở Machapuchare Base Camp phải uống liền 1 viên panadol.

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 6

Bù lại, đoạn trek này đẹp nhất trong hành trình, cả nhóm phải dừng lại chụp ảnh rất nhiều lần vì không có góc nào xấu cả.

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 7

Bọn mình cũng cố gắng lên Annapurna Base Camp sớm để kịp ngắm hoàng hôn cực đẹp – phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều nhé, như lúc mình đi Annapurna bị sương che kín chỉ có ngọn Machapuchare từ xa là rõ thôi, nhưng vẫn rất hạnh phúc.

Nepal Annapurna Base Camp Trekking 8

Tối đến, bạn nhớ đừng đi ngủ sớm, dù đêm hôm đó -9 độ C luôn, nhưng trời nếu trong sẽ có rất nhiều sao cực đẹp, sẽ là bữa tiệc ánh sáng tuyệt vời.

Ngày 7: Annapurna Base Camp – Bamboo (trek ngược xuống tầm 8 tiếng)

Ngày 8: Bamboo – Jhinu Danda

Đoạn trek này chỉ tốn 3 tiếng thôi và chỉ mệt khi leo ngược lên Chomrong. Tới Jhinu Danda, bạn để hành lý lại và đi bộ 20 phút xuống dưới suối nước nóng để tắm táp và thư giãn.

Ngày 9: Jhinu Danda – Pokhara

Đây là đoạn trek cuối cùng, từ Jhinu Danda bạn sẽ trek ngắn qua New Bride – một cây cầu mới xây bắt qua 2 ngọn đồi. Sau đó bạn sẽ bắt jeep về lại Pokhara. Theo lịch trình, bọn mình phải trek đến tận Nayapul là giống như ngày đầu trek, nhưng cả đám đều mệt quá rồi nên trả thêm mỗi người 1,000 rupee để đi jeep từ New Bridge về Pokhara luôn.

Quá trưa là bọn mình về lại Pokhara thế là có dịp ghé Tibetan Market mua sắm khá rẻ. Mọi người nhớ ghé.

Ngày 10: Pokhara – Kathmandu

Tiếp tục về Kathmandu bằng xe và có buổi chiều và tối ở thành phố. Có một số quán ăn ngon ở trung tâm Kathmandu mà bạn nên thử nè: Mitho Restaurant, Kung Fu Noodles. 

Ngày 11: Kathmandu

Ngày hôm nay, bọn mình quyết định làm chuyến city tour khắp Kathmandu qua vài địa điểm nổi tiếng:

  • Patan Durbar Square: nơi này quay Doctor Strange đó, phí và cổng là 1,000 rupee, nhưng vào bên trong bạn sẽ được khám phá những khu trưng bày về văn hoá Nepal cực hay.
  • Kathmandu Durbar Square

  • Shree Pashupatinath Temple

Ngày 12: Kathmandu – Việt Nam

Về nhà thôi còn chờ gì nữa!

Chúc các bạn có chuyến đi Nepal chắc chắn sẽ mệt đừ người, nhưng bù lại giàu trải nghiệm, đắm chìm trong văn hoá độc đáo và thiên nhiên hùng vỹ nhé!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: