Tuổi Trẻ Chỉ Dừng Lại Khi Ta Thôi Trải Nghiệm

Với tôi, tuổi trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở những tuổi teen, tuổi đôi mươi, tuổi trẻ tồn tại trong tâm trí của mỗi người. Tôi đã gặp không ít những người xê dịch đã ngoài năm mươi và họ vẫn đi, vẫn trải nghiệm cuộc sống. Có một bác người Pháp tôi gặp trong chuyến leo núi Dương Minh Sơn ở Đài Loan. Tôi khen bác ấy khoẻ thế ngoài 50 mà vẫn đi băng núi như thế này, đoạn đường núi này dài ít nhất 6 cây số. Bác ấy bảo với tôi thật đơn giản khi đang ngồi ở trạm nghỉ chân nhìn ra một màu xanh bạt ngàn: “Alex chỉ già khi Alex thôi trải nghiệm”.

Câu nói ấy như đánh động vào nhiều cách nghĩ của tôi về tuổi trẻ.

Khi bạn sinh ra, một mầm non mơn mởn, bạn nhìn ra thế giới xung quanh, ba bảo “nói ba đi con”, bà bảo “gọi bà đi con”. Ta lặp theo trong vô thức. Ta vô tình trải nghiệm được ngôn ngữ và những mối quan hệ xã hội đầu tiên.

Khi lớn lên chút nữa, bạn vào trường lớp, trải qua những môn học, tiếp thu kiến thức mới, ba mẹ cứ bảo còn trẻ thì dễ học, để rồi già học không vô.

Rồi khi đi làm, lại được những anh chị đi trước bảo mình hãy luôn cố gắng học hỏi và phát triển bản thân vì còn trẻ là còn nhiều cơ hội.

Khi lớn lên, tôi nhận ra những kiến thức mới, những bài học trong cuộc sống đến từ những phút giây khi ta dấn thân trải nghiệm. Giống như một bài học của ông bạn đường gặp ở Đài Loan kia, cũng là lúc tôi dấn thân đi qua xứ Đài một thân một mình.

Những trải nghiệm, những bài học đến và ở lại trong đầu tôi. Chúng khiến tôi thấy mình lúc nào cũng trẻ, vì thế giới quan xung quanh luôn còn đó quá nhiều điều mới mẻ cần được khám phá.

Tôi chợt thấy những điều đó được áp dụng kể cả khi tôi làm việc. Bản thân đang làm việc trong một agency về thế giới kỹ thuật số bao gồm Facebook, website. Bản thân học Nhân Văn, kiến thức về marketing là con số không tròn trĩnh, thế mà nghề chọn mình đơn giản mình không ngừng học và trải nghiệm.

Công việc trợ lý cho chị giám đốc ở công ty thời trang Pháp ban đầu chỉ yêu cầu tôi quản lý và dịch giấy tờ, sắp xếp lịch làm việc cho chị ấy. Nhưng sau đấy được chị hướng dẫn và biết quản lý cũng như triển khai kế hoạch marketing mỗi tháng cho công ty, tất nhiên dưới sự giám sát của chị. Ban đầu gửi email cho đối tác còn được chị yêu cầu phải gửi chị xem qua trước, nhưng dần dà đã đủ lông đủ cánh mà làm việc với sự tin tưởng của chị.

Công việc thứ hai, tôi lại làm trợ lý giám đốc ở một agency chuyên về sự kiện. Ban đầu công việc tương đối chán chường nhưng tôi không ngồi yên một chỗ mà giao tiếp với nhiều phòng ban khác. Và rồi thấy được tiềm năng viết lách và ý tưởng của tôi nên được chuyển qua phòng account. Nhớ lại, proposal đầu tiên cho một khách hàng nước giải khát lớn nhất Việt Nam, cho một thương hiệu quá lớn, mà may mắn thay lại thành công. Lúc ấy tôi có biết tí gì về quảng cáo đâu chứ. Nhưng chỉ cần đọc lại những bài viết cũ và thử thách chính mình đưa ra ý tưởng. Từ đó, tôi trở thành một nhân viên nòng cốt phục vụ cho khách hàng này. Nhớ lại lúc ấy không biết gì về thiết kế đồ hoạ, nên cách làm việc với phòng thiết kế thật sự khó khăn. Lúc ra sự kiện, chỉ vì không nắm được rằng thiết kế xong phải tính đến đường cho bên thi công thực hiện nên đã gây ra nhiều lỗi.

Nhưng có những trải nghiệm như vậy mới biết được rằng mình còn trẻ và vẫn còn nhiều điều để học. Và tôi biết rằng tôi chỉ thôi trẻ khi tôi thôi trải nghiệm.

Tôi nghĩ những người lớn tuổi một chút hay bảo lớn thì học khó vô đó chỉ là một cách viện cớ. Chính tư tưởng ù lì khiến cho ta cứ vịn lấy một lý do không bàn cãi được là tuổi tác. Nhưng tôi không nghĩ vậy, có những vĩ nhân đủ để chứng minh sáng tạo, học tập là một việc cả đời mà ta không cần ngừng lại.

Mẹ thường lấy lý do tuổi tác để khước từ những ý định đi du lịch cùng tôi, dù gần hay xa. Thế nên tôi cứ phải tìm cách để phản biệt nhằm thuyết phục mẹ. Liệu già là không thể trải nghiệm? Không đâu, tôi đã từng gặp Martha ngoài 60 tuổi ở Florence, Ý, dù đã lớn nhưng vẫn thích trải nghiệm và khám phá. Cách nói chuyện giữa Martha và tôi dù cách nhau hai thế hệ nhưng lại không mấy khác biệt. Tôi có thể trò chuyện cùng Martha suốt ngày hôm đó. Có gì đó ở việc liên tục trải nghiệm khiến cho ta luôn mở lòng và sẵn sàng đón nhận những điều mới. Chính những điều mới khiến ta thôi bỡ ngỡ khi có một người trẻ hơn đến bắt chuyện về một chủ đề mình không biết. Chính việc luôn trải nghiệm đã giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ như thế. Và tuổi trẻ không được đong đếm bằng số năm tồn tại.

Với tôi, đầu óc cũng như những bó cơ. Mỗi ngày khi ta tập luyện đầy đủ ở phòng gym, cơ sẽ săn chắc nhưng hiệu quả không thấy ngay được. Bạn phải tập vài tháng đến hàng năm trời rồi nhìn lại bạn ở điểm xuất phát mới thấy được sự khác biệt. Nếu mỗi ngày đều học một, hai điều mới, chắc chắn đầu óc sẽ không thông thái ngay lặp tức. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra trên con đường dài, bạn sẽ học được nhiều hơn những người phó mặc cho tư tưởng “tôi đã già, học không vô”.

Tôi thường nhìn lên chỉ tay của bàn tay trái của mình và tự hỏi sao đường học của mình ngắn quá, và hay so sánh với chị tôi sao chị có đường chỉ tay học vấn dài thế. Đến nay, 25 tuổi, tôi thấy học là một quá trình dài mà ta có thể điều khiển được. Học ở đây không phải là những gì quá cao siêu, phải đọc sách thánh hiền như ngày xưa nữa. Tỉnh dậy đi, bây giờ là thế kỷ nào rồi bạn ạ. Ta học không chỉ dừng ở những cuốn sách, ta học qua những trải nghiệm.

Nếu không có những chuyến đi, tôi không tài nào biết biết được văn hoá ở những đất nước mình đặt chân đến.

Không có sách vở nào chỉ tôi cách chuẩn bị giấy tờ xin visa đi nước này nước kia, kinh nghiệm tích luỹ thành kiến thức và rồi tôi viết lại trên những trang blog để chia sẻ cho mọi người. Đó cũng là một cách học, một cách học không nhàm chán, thậm chí khiến tôi thích thú vô cùng.

Những lần đến một quốc gia mới, tôi đều cố gắng tìm hiểu trước hoặc hỏi người bản xứ những câu từ thông dụng để có dịp thì đem ra xài. Bản tính tò mò khám phá đã cho tôi nhiều trải nghiệm và kiến thức như vậy.

Có lẽ là tôi sẽ còn trẻ lâu lắm. Tưởng tượng đến năm tôi 50 tuổi như bác Alex kia, tôi sẽ bảo với một người bạn trẻ tôi gặp trong một chuyến xê dịch đâu đó rằng: “Cơ 20 tuổi đã hơn 30 năm nay”.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: