Gyeongju, Thành Phố Hoàng Kim ở Hàn Quốc

Gyeongju nằm cách Seoul 2 tiếng 10 phút đi tàu KTX, và chỉ cách Busan 15 phút, là một thành phố mình không có quá nhiều khái niệm khi quyết định tới đây. Chỉ vô tình thấy 1-2 hình ảnh về thành phố trông có vẻ cổ kính, và thấy câu slogan của thành phố Gyeongju, Golden City.

Thế là mình bắt chuyến tàu KTX khởi hành từ ga trung tâm Seoul để đến đây.

Mình cũng chọn một nơi nghỉ ở đây không phải khách sạn đặt trước qua Traveloka, mà là một khu nhà nghỉ không có giường chỉ có mấy tấm nệm futon nằm dưới đất. Khi tới đây lúc 8h tối, thành phố như đứng yên vì bóng đêm, khựng lại một chút vì cả thành phố trông u uất quá. Mình lại càng không mấy hứng thú với nơi này.

Đi bộ ra quán ăn gần nhất cũng cách khu nhà nghỉ gần 800 mét. Nhưng món súp canh bò hầm kiểu Hàn làm mình ấm người, hương vị đậm đà và đặc biệt được phục vụ nhiệt tình. Trong quán chỉ vỏn vẹn 3 bàn mà thôi. Quán cũng nằm trên một con đường mà quán là lựa chọn gần như duy nhất.

Sáng dậy, mình mới thấy mình đã sai. Bóng tối che giấu đi vẻ đẹp hoàng kim của nơi này. Hoá ra căn nhà nghỉ mình ở rực rỡ với kiến trúc gỗ màu vàng và lớp mái ngói truyền thống. Xung quanh là những căn nhà theo lối kiến trúc ấy. Và bao bọc cả khu phố là cánh đồng lúa chín vàng bất tận. Bầu trời thu trong veo không gợn mây là tấm phông nền hoàn hảo.

Đi ra con đường lớn có quán canh bò hôm qua, mình chợt thấy thú vị vì nơi đó là những lăng tẩm màu xanh khổng lồ cứ như những quả đồi trong phim hoạt hình. Hàng cây bạch quả đã chuyển màu chạy xuyên suốt con đường càng làm nơi đây đầy màu sắc.

Những nơi thăm thú của Gyeongju cũng nhỏ xinh thôi. Mình tới quán Starbucks nhưng theo kiến trúc kiểu Hàn vô cùng xinh xắn. Ngồi họp một chút để phỏng vấn ứng viên sắp vô công ty. Ăn vội chút bánh, và làm ly americano đá cho có năng lượng. Sau đó mình đi khám phá Gyeongju trên đôi chân. Ở đây họ có cho thuê golf cart, xe đạp, xe trượt điện nhưng mình thích rảo bước đi hơn.

Địa điểm đến đầu tiên cũng nằm gần đó là khu công viên/lăng tẩm/rừng cây khổng lồ. Tại đây có những vườn hoa đủ loại cho người dân, du khách đến tản bộ, thưởng lãm. Vườn hoa ấn tượng nhất bởi có đồng cỏ hồng rất ăn ảnh, chúng cũng chỉ xuất hiện vào mùa thu thôi, cũng là một biểu tượng thu của Hàn Quốc. Vườn còn có những cây cỏ lau cao qua đầu. Những loài hoa khác phổ biến hơn như hướng dương, hoa đỗ quyên.

Sau khi rời công viên thì bạn có thể tới Đông Cung. Nhưng sau khi đi vào trong thì mình khuyên bạn không nên vào vì ở trong chỉ có 3 ngôi nhà nhỏ phục dựng lại mà thôi, không có sự hoành tráng như tưởng tượng của nơi cung cấm. Con đường cạnh Đông Cung lại là nơi đáng đi hơn vì hàng cây mùa thu cháy vàng, phủ rợp lên thành phố hoàng kim này.

Buổi chiều ở Gyeongju, mình cũng không còn gì để làm nên dạo quanh các quán cà phê. Do Not Disturb Bakery & Cafe là nơi đáng yêu để ghé thử vì nằm trong 2 căn nhà cổ 1 tầng với bánh Tây & nước uống ngon miệng, mình rất muốn quay lại để thử món cà phê mè đen. Uống giống như là cà phê có lớp kem sữa, nhưng kem sữa này lại được hoà quyện với mè đen, vốn là nguyên liệu mình thích.

Cafe Eyst 1779 là một quán khác mình ấn tượng bởi không gian dùng màu gạch đỏ tuyệt đẹp. Nơi này có không gian ngồi ngoài trời lẫn trong nhà có kính lớn nhìn ra dàn bonsai bên ngoài. Nước của quán mình không ấn tượng lắm nhưng không gian nơi này rất thích hợp để ngồi chill lâu và nói chuyện.

Sau 3 ngày 2 đêm, mình cũng về Seoul. Gyeongju rõ ràng trái ngược với những siêu đô thị. Gyeongju là một phố quê tuyệt đẹp, thanh bình và thiên nhiên ban phát cho nơi này những khung trời đẹp nhất. Dù ban đêm có phần ủ rũ nhưng ban ngày Gyeongju sáng bừng lên đúng với slogan của mình. Gyeongju có lẽ là nơi mình sẽ muốn quay lại và ở lâu hơn, để chữa lành chính mình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: