Hãy Trải Nghiệm Cho Chính Mình

Trong những năm tuổi trẻ, tôi không có điều gì tự hào gì hơn những trải nghiệm của chính mình. Thế nhưng với mạng xã hội, với báo đài tiếp cận dễ dàng chỉ bằng những cái chạm tay lên màn hình điện thoại, có một sự so sánh xuất hiện trong tư tưởng của nhiều bạn trẻ.

Nếu đi theo dõi những trang Instagram của nhiều bạn nổi tiếng, hình ảnh đập vô mắt ta chỉ có thể thấy là họ đi du lịch nhiều, có những cơ thể bốc lửa, ăn ở nhà hàng sang trọng, quen những người đẹp giống như họ. Vô hình chung, mạng xã hội đã đẩy một sự ganh tỵ vô hình vào trong đầu của không ít bạn trẻ.

Tôi cũng từng như vậy.

Khi Instagram, Facebook mới phát triển tại Việt Nam, tôi cũng tạo một tài khoản cho riêng mình và follow những người trẻ, tài năng, đi nhiều nơi, có cuộc sống thật sự đáng ngưỡng mộ.

Đôi chút, tôi cảm thấy ganh tỵ. Tôi tự hỏi sao họ lại được như vậy, trong khi mình ngồi đây vẫn chưa làm được điều gì cho cuộc đời mình.

Vừa nghĩ, vừa thở dài ngao ngán.

Nhưng dần dà, bắt đầu trưởng thành, có công việc và tự tưởng thưởng bản thân với nhiều chuyến đi và những bữa ăn ngon. Tôi cảm thấy bớt đi những ý nghĩ tiêu cực ấy.

Thế rồi đến lượt tôi nhận được bình luận trên Facebook cá nhân, trên trang blog du lịch cũng như Instagram.

Những nội dung ấy như thể nói lên suy nghĩ của tôi vài năm trước. Nào là hâm mộ, nào là ganh tỵ với những trải nghiệm của anh. Rất nhiều những bình luận như vậy. Tôi cảm kích, rất cảm kích.

Nhưng cũng có những bình luận khiếm nhã, có vẻ là ghen tức nhiều hơn.

Tôi thấy những bạn trẻ hay so sánh điều chưa tốt của mình với điều tốt của người khác, sự yếu kém của mình ở mặt nào đó với điểm mạnh của người khác, trải nghiệm của mình với trải nghiệm của người khác. Với mạng xã hội, việc so sánh này ngày một nặng nề hơn vì các bạn chạm tay vào màn hình mỗi ngày và chỉ vuốt một lần có thể thấy bao hình ảnh tuyệt vời của người khác được đăng lên. Vô tình, tất cả đọng lại trong đầu là sự đố kỵ dù ít hay nhiều.

Đố kỵ gần như là lẽ tự nhiên.

Tôi chấp nhận sự tồn tại của đố kỵ, vì bản thân tôi cũng đã từng có tư tưởng ấy trong đầu. Nhưng tôi không khuyến khích.

Trải nghiệm là điều mà mỗi người đều gặp một cách khác nhau, không trải nghiệm nào giống nhau. Nếu có làm việc ở cùng một công ty, cùng một vị trí, hay đi đến một đất nước mới, với cùng những địa điểm, tôi tin chắc trải nghiệm của mỗi người đều hoàn toàn khác nhau.

Nếu vậy, tại sao phải so sánh giữa bản thân với người kia?

Hãy cứ so sánh, nhưng so sánh để tìm ra sự khác nhau và làm sao tìm được cách giúp mình phát triển và có những chuyến đi tốt hơn và riêng hơn.

Hãy sống và trải nghiệm cho chính bản thân mình đi. Trải nghiệm để kể những câu chuyện thật khác biệt cho cuộc sống của mình.

Chưa bao giờ tôi mang theo ý kiến chủ quan của người khác vào những chuyến đi của mình. Có lẽ thói quen đó bắt nguồn từ việc mình cứ đi đâu mình thích, mở Google Maps thấy một ngọn núi là muốn leo lên, cứ thấy một nhà hàng có cái tên hay hay là ghé tới, cứ thế mà không cần hỏi ý kiến xem nơi ấy thế nào, có đáng đi hay không. Có lẽ nhiều lúc sẽ trả giá bằng việc những nới đó đắt đỏ, hay không đáng để ngắm nhìn nhưng ít nhất ta có trải nghiệm rất riêng và rất thật cho bẩn thân.

Trừ những vấn đề về thủ tục, vé máy bay, những kiến thức chung thì tôi sẽ hỏi kỹ, vì chẳng ai mà biết nên đi mùa nào vé máy bay rẻ, kinh nghiệm xin visa như thế nào. Bản thân tôi cũng lo sốt vó cho lần xin visa đầu tiên, và hỏi người bạn đến độ người ấy phát bực. Nên tôi thông cảm cực kỳ cho những bạn liên tục hỏi tôi về những vấn đề này. Trên trang blog du lịch của mình, những bài viết về visa, mẹo vặt du lịch cần biết luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Có bài viết về kinh nghiệm xin visa Châu Âu của tôi nhận được gần cả trăm lượt bình luận và những tin nhắn qua Facebook hỏi thủ tục. Tôi không được lợi nhuận gì khi trả lời, nhưng hy vọng giúp phần nào đó cho đam mê được nhìn ngắm thế giới của mọi người.

Về cơ bản, trải nghiệm mỗi người mỗi khác. Có thể người A tới thành phố X với người yêu, nên cảm giác thật tuyệt vời, khen đến tận mây xanh nhưng lúc tôi tới thành phố X thì chưa chắc đã như vậy. Biết mình có cảm quan và chính kiến riêng, tôi chẳng cần phải hỏi ý kiến xem có đáng đi nước này, đáng đi chỗ kia hay không. Cứ đi thôi, sẽ biết có đáng thời gian và tiền bạc hay không. Cứ đi thôi, vì biết đâu với bạn nước Y tuyệt hơn nước X và những câu chuyện bạn trải qua thú vị hơn người A kia.

Nên dù có đến cùng một nơi, hãy kể câu chuyện của riêng mình theo cách của mình. Dù đã có trăm ngàn bạn trẻ Việt đã tới Thái Lan, hãy cứ đi và trải nghiệm cho riêng bạn, còn bao ngóc ngách, bao quán cafe, bao cửa hàng ăn đường phố chưa được khám phá. Dù mỗi năm có 50 triệu người tới tháp Eiffel, cứ đi đi, biết đâu toà kiến trúc ấy không phải là câu chuyện duy nhất bạn biết về Paris, mà còn là những góc công viên nhỏ, những cây cầu, những nụ hôn say đắm với nền nhạc của người nghệ sỹ đường phố.

Sống đi, nghĩ chi cho nhiều. Nhỉ?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: